Các triệu chứng báo động
Đừng “phát hoảng” lên, vì phần lớn không phải là ung thư đâu. Nên đi khám bác sĩ. Nên nhớ ung thư biết sớm trị lành.
Thay đổi thói quen của ruột và bọng đái
Một chỗ lở loét không chịu lành
Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường
Chỗ dày (cục u) ở vú hoặc ở nơi nào đó
Ăn không tiêu hoặc nuốt khó
Ho dai dẵng hoặc khàn tiếng
Thay đổi tính chất của mụt ruồi.
Chẩn đoán bệnh ung thư
Qua thăm khám sức khỏe định kỳ có thế rà tìm biết sớm các ung thư vú, cổ tử cung, đại-trực tràng, tuyến tiền liệt, miệng, da và tuyến giáp. Phải lưu ý một số triệu chứng báo động khi bệnh mới chớm.
Việc định bệnh
Thường bắt đầu bằng việc người bệnh cho biết vài triệu chứng tổng quát hoặc vài triệu chứng chức năng nào đó. Rồi thầy thuốc mới thăm hỏi kỹ lưỡng. Có khi vài triệu chứng cũng giúp xác định: ho dai dẳng, khạc đàm, phân lẫn máu, xuất huyết âm đạo bất thường. Bác sĩ lần theo rồi chú tâm kỹ vào một bộ phận nào đó. Đừng hoảng hốt, các xáo trộn này không cứ là đặc hiệu của ung thư mà có thể là các bệnh khác. Thăm hỏi và khám kỹ hơn, thầy thuốc có thể tìm ra một khối bướu hiển nhiên, như một cục u ở vú, hạch cổ lớn ra, một khối trong bụng, chỗ sưng ở tay chân, vết loét da...
Khám thực thể bằng cách nghe, gõ, sờ nắn thật tỉ mỉ. Lúc này việc định bệnh vẫn còn là giả định thôi và phải nhờ đến các phương pháp thử khác (xét nghiệm cận lâm sàng). Các xét nghiệm này dẫn đến việc nghi ngờ một ung thư của dạ dày, ruột, vú, phổi hoặc xương, giúp định rõ cơ quan bị bướu và trong đa số tình huống thì cung cấp đủ chứng cớ để chẩn đoán là ung thư.
Thử máu (các xét nghiệm sinh học) có thể giúp: biết bệnh bạch cầu (ung thư máu), tìm các loại hormon để chẩn đoán ung thư lá nhau, đo lượng PSA tìm ung thư tuyến tiến liệt, đo AFP để xác định ung thư gan, lượng CEA giúp theo dõi ung thư ruột, đo CA 125 và HE4 rà ung thư buồng trứng.
Nguồn: Cẩm nang Phòng Trị Ung Thư – Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng