Nếu bạn đang muốn biết tất cả các thông tin về ngộ độc thực phẩm chỉ trong một lần tìm kiếm. Hãy chắc chắn rằng rằng bạn đã lưu lại bài viết này của DHA nhé!
Bài viết được tư vấn bởi bác sĩ CKI. Hoàng Thị Tuyết Hạnh - Giám đốc chuyên môn phòng khám đa khoa DHA Healthcare.
Ngộ độc thực phẩm (hay còn gọi là ngộ độc thức ăn, trúng thực) là tình trạng hầu như ai cũng từng gặp phải, kể cả khi đã cực kỳ cẩn thận trong việc ăn uống. Nhiều trường hợp nhẹ sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa, nghiêm trọng hơn thì có thể dẫn đến tử vong.
Vậy ngộ độc thực phẩm là gì? Triệu chứng cụ thể ra sao? Cách chữa và phòng tránh như thế nào? … Cùng DHA trang bị kiến thức bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trước thềm năm mới bạn nhé!
1. Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi bạn ăn, uống phải những loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chứa chất gây ngộ độc, chất bảo quản, phụ gia...

Ngộ độc thực phẩm gây ra nhiều phiền toái cho cuộc sống
2. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm
Các trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ sẽ có một số triệu chứng sau:
- Đau bụng âm ỉ, mót rặn hay quặn từng cơn
- Bị tiêu chảy
- Buồn nôn và nôn mửa
- Cảm giác ăn không ngon miệng
- Sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi
- Đau đầu
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng có khả năng đe dọa tính mạng bao gồm:
- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày
- Sốt cao hơn 38,9°C
- Mắt trũng, giọng nói yếu ớt
- Các triệu chứng mất nước nghiêm trọng bao gồm : Khô môi, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu và khó giữ nước.
- Nước tiểu có máu
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nặng nào trên đây, DHA khuyến cáo bạn hãy lập tức đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời!
3. Ngộ độc thực phẩm bao lâu khỏi?
Tùy thuộc vào nguồn lây nhiễm, thời gian mà cơ thể xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm khoảng 30 phút sau khi ăn hoặc có thể lên đến 8 tuần.
Và dù có điều trị hay không, hầu hết các trường hợp sẽ khỏi sau 1 tuần.

Thực phẩm chưa nấu chín có thể gây ngộ độc
4. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Hầu hết các vụ ngộ độc thức ăn có thể bắt nguồn từ một trong ba nguyên nhân chính: Vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus.
Những mầm bệnh này có thể được tìm thấy trên hầu hết các loại thực phẩm mà con người ăn. Tuy nhiên, khi được nấu trên nhiệt độ cao, những mầm bệnh đó sẽ được tiêu diệt. Thực phẩm sống là nguyên do gây ngộ độc thực phẩm phổ biến vì không trải qua quá trình nấu nướng.
Thỉnh thoảng, thức ăn sẽ tiếp xúc với các sinh vật trong phân hoặc chất nôn. Điều này xảy ra khi bạn không rửa tay trước khi nấu ăn.
Thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa thường xuyên bị nhiễm khuẩn. Nước cũng có thể bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh.
5. Ai dễ bị ngộ độc thực phẩm?
Ai cũng có thể bị ngộ độc thức ăn, tuy nhiên những đối tượng dễ bị ngộ độc hơn và có khả năng nguy hiểm đến tính mạng có thể kể đến như:
Phụ nữ mang thai: Sự thay đổi hệ thống miễn dịch ở phụ nữ mang thai khiến bản thân phụ nữ, thai nhi và trẻ sơ sinh có nguy cơ ngộ độc thức ăn hơn. Tình trạng bệnh trở nên xấu hơn trong thai kỳ và có thể dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non.
Trẻ em dưới 5 tuổi: Ở trẻ em dưới 5 tuổi hệ miễn dịch vẫn đang phát triển nên có nguy cơ cao mắc các bệnh do thực phẩm và gây ra nhiều biến chứng. Ở trẻ em dạ dày sản xuất ít axit để tiêu diệt vi khuẩn có hại hơn, khiến trẻ em dễ bị mắc bệnh.
Người trên 70 tuổi với một số tình trạng sức khỏe: Người già có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm bởi vì khi tuổi càng cao, hệ miễn dịch và chức năng cơ quan suy giảm dẫn đến không nhận biết được và loại bỏ mầm bệnh có hại.
Người bị suy yếu hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch giúp loại bỏ nhiễm trùng và các tác nhân lạ. Các vấn đề về sức khỏe hoặc thuốc làm giảm khả năng của cơ thể chống lại mầm bệnh dẫn đến nguy cơ dễ ngộ độc thực phẩm.
Người bị bệnh mãn tính hoặc cấp tính: Những người bị đái tháo đường, bệnh lý về gan hoặc thận, nghiện rượi hoặc HIV/AIDS hoặc đang điều trị bằng hóa trị liệu và xạ trị không thể chống lại mầm bệnh một cách hiệu quả.
6. Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
Trước tiên, phải hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể bằng cách ngừng ngay ăn uống và khẩn trương nôn hết thức ăn ra khỏi dạ dày.
Cách gây nôn đơn giản là dùng tay móc họng, hoặc dùng lông gà ngoáy họng, uống nước mùn thớt, uống nước muối (2 thìa canh muối pha với cốc nước ấm) hoặc uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn.
Tuy nhiên, khi gây nôn cho trẻ cần lưu ý:
- Phải để trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra.
- Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong.
- Trong quá trình gây nôn, phải luôn dùng khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.
Tiếp đó là bù nước: Sau khi gây nôn nên cho người bị ngộ độc uống 1 tuýp than hoạt tính hoặc uống nước oresol bù điện giải. Nếu bị nôn, tiêu chảy mất nước nhiều thì cần tăng lượng nước Oresol hoặc nước lọc uống bù cho việc mất nước.

Nôn là phương pháp sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
Lưu ý: Sau khi sơ cứu phải đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế xử trí kịp thời hoặc cho hướng dẫn phù hợp. Tuyệt đối không được cho người bị ngộ độc uống thuốc cầm tiêu chảy. Cần lưu giữ thức ăn nghi gây ngộ độc thực phẩm để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc và định hướng tìm chất trung hòa độc tính nếu có. (Tham khảo từ Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia)
7. Các cách điều trị ngộ độc thực phẩm
Nếu ngộ độc thực phẩm nhẹ, bạn có có thể tự điều trị tại nhà. Dưới đây là một số cách bạn có thể thực hiện:
Giữ nước
Nếu bạn bị trúng thực, điều quan trọng là tránh để cơ thể mất nước. Bổ sung bằng các loại nước uống thể thao có nhiều chất điện giải, nước ép trái cây và nước dừa có thể phục hồi carbohydrate và giúp giảm mệt mỏi.
Tránh các loại đồ uống chứa caffein vì sẽ gây kích ứng đường tiêu hóa. Các loại trà không chứa caffein với các loại thảo mộc nhẹ nhàng như hoa cúc, bạc hà và bồ công anh có thể giúp làm dịu cơn đau dạ dày.
Dùng thuốc không kê đơn
Các loại thuốc không kê đơn như Loperamid (Imodium) và Pepto-Bismol có thể giúp bạn kiểm soát tiêu chảy và giảm buồn nôn.
Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này, vì cơ thể cần nôn mửa và tiêu chảy để đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, sử dụng các loại thuốc này có thể che giấu mức độ nghiêm trọng của bệnh và khiến bạn trì hoãn việc đến gặp bác sĩ để điều trị.
Dùng thuốc theo toa của bác sĩ
Hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và được điều trị nhanh chóng, tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cuộc sống.
Nhận thuốc chống độc
Nhiễm trùng C. botulinum được coi là một trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng. Cần phải đến các cơ sở y tế để được tiếp nhận điều trị, Nếu bạn bị nhiễm C. botulinum, bác sĩ sẽ tiêm thuốc kháng độc tố. Các em bé sẽ được tiêm một loại thuốc chống độc đặc biệt có tên BabyBIG (globulin miễn dịch ngộ độc).
Nghỉ ngơi
Điều quan trọng đối với những người bị ngộ độc thực phẩm là được nghỉ ngơi nhiều.
Nếu trường hợp của bạn là nghiêm trọng
Trong những trường hợp ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, bạn có thể được yêu cầu bù nước bằng chất lỏng tiêm tĩnh mạch (IV) tại bệnh viện.
Trong những trường hợp ngộ độc thực phẩm tồi tệ nhất, bạn có thể phải nằm viện lâu hơn để hồi phục. Những người bị nhiễm C. botulinum nặng, hiếm gặp, thậm chí có thể phải thở máy.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
8. Ăn gì khi bị ngộ độc thực phẩm
Tốt nhất nên từ từ ngừng ăn thức ăn cứng cho đến khi hết tiêu chảy và nôn mửa. Thay vào đó, hãy quay trở lại chế độ ăn uống bình thường của bạn bằng cách ăn hoặc uống những món dễ tiêu hóa, ít gia vị và ít chất béo, chẳng hạn như:
- Bánh quy mặn
- Bánh mì nướng
- Thạch dẻo
- Chuối
- Cơm
- Cháo bột yến mạch
- Khoai tây
- Rau luộc
- Súp gà
- Nước trái cây pha loãng
- Đồ uống thể thao

Chuối và các loại nước trái cây là một trong các loại thực phẩm nên sử dụng
Các loại đồ ăn nên tránh
Để ngăn dạ dày của bạn không bị khó chịu hơn, hãy cố gắng tránh các loại thực phẩm khó tiêu hóa sau đây, ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đã cảm thấy tốt hơn:
- Các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa tươi và phô mai
- Đồ ăn nhiều chất béo
- Đồ chiên rán
- Thức ăn có nhiều gia vị
- Thực phẩm chứa nhiều đường
- Thức ăn cay
- Cafe
- Rượu bia
- Thuốc lá
9. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, hãy luôn ghi nhớ những điều sau:
- Luôn rửa tay trước khi nấu hoặc ăn.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách.
- Ăn chín uống sôi, đặc biệt nấu chín kỹ thịt và trứng.
- Rửa sạch tất cả các vật dụng dùng để sơ chế thực phẩm sống trước khi chế biến tiếp các loại thực phẩm khác.
- Rửa sạch trái cây và rau củ trước khi ăn.
Cuối năm là mùa của những buổi tiệc tưng bừng, đừng để ngộ độc thực phẩm làm chúng ta “điêu đứng”. DHA hy vọng bài viết này sẽ là cẩm nang hữu ích giúp chăm sóc sức khỏe bạn và gia đình!